Luật Bảo vệ Môi trường quy định, nhà sản xuất phải có trách nhiệm với sản phẩm, bao bì từ khi sản xuất ra tới giai đoạn thải bỏ.
Sáng 18/9, Liên minh Không rác Việt Nam, Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh GreenHub, nhóm nghiên cứu e-Policy tổ chức tọa đàm trực tuyến về tính cấp thiết trong việc đưa Trách nhiệm mở rộng của Nhà sản xuất (EPR) vào thực hiện ở Việt Nam.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo quy định về trách nhiệm tái chế và xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu (còn được gọi là Trách nhiệm mở rộng của Nhà sản xuất) trong Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường 2020. EPR là cách tiếp cận của chính sách môi trường, tuân theo nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền” (Polluter Pay Principle – PPP).
Theo Luật Bảo vệ Môi trường có hiệu lực từ 1/1/2022, 6 lĩnh vực đầu tiên thực hiện EPR là bao bì, thiết bị điện, điện tử, săm lốp, ắc quy – pin, phương tiện giao thông. Các sản phẩm bao bì, ắc quy, pin, dầu nhớt, săm lốp thực hiện từ ngày 1/1/2024. Sản phẩn điện, điện tử áp dụng từ ngày 1/1/2025 và phương tiện giao thông thực hiện từ 1/1/2027.
Doanh nghiệp có 3 lựa chọn: tự tái chế, thuê đơn vị tái chế hoặc ủy nhiệm cho một tổ chức thực hiện tái chế. Phương án khác là đóng góp vào quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam, ngân sách đó dùng để tái chế rác thải từ sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất.
Theo bà Quách Thị Xuân, điều phối viên của Liên minh Không rác Việt Nam, mục tiêu của EPR là nhằm tạo ra những khuyến khích tài chính đủ lớn để các nhà sản xuất thay đổi thiết kế sản phẩm hướng tới giảm thiểu chất thải hoặc chuyển từ bao bì khó tái chế sang bao bì có giá trị tái chế cao. Nếu chính sách EPR được thiết kế tốt, có hiệu quả cao, Việt Nam có thể giải quyết được vấn đề ô nhiễm chất thải rắn, đặc biệt là ô nhiễm nhựa hiện đang rất nghiêm trọng.
Hiện ít nhất 80% chi phí vận hành hệ thống quản lý chất thải rắn sinh hoạt đang trợ cấp từ ngân sách nhà nước. Khi quy định này được thực thi, nhà sản xuất không muốn chi trả EPR nhiều thì thay đổi thiết kế, dùng bao bì có khả năng tái chế cao hoặc chuyển sang kênh phân phối bao bì tái sử dụng nhiều lần.
Liên minh Không rác Việt Nam, GreenHub đề xuất tất cả các doanh nghiệp có sản phẩm bao bì đều phải thực hiện trách nhiệm EPR bất kể chủng loại, quy mô. Kèm theo đó là danh mục các sản phẩm, bao bì cần đóng góp tài chính gồm tất cả như túi, bao gói nhỏ, sản phẩm sử dụng một lần, bao bì mỹ phẩm…
Ông Hoàng Đức vượng, Chủ tịch chi hội Nhựa tái sinh Việt Nam cho nếu quản lý tốt EPR thì môi trường sẽ thay đổi hoàn toàn trong những năm tới. Việt Nam sẽ hình thành ngành công nghiệp tái chế bài bản, có kiểm soát môi trường. Các doanh nghiệp sẽ không phải nhập khẩu hoặc nhập khẩu ít hơn phế liệu từ các nước khác, tận dụng được nguồn rác thải rắn trong nước để sản xuất.
Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia của Bộ Tài Nguyên và Môi trường công bố năm 2020 cho thấy lượng chất thải rắn tăng dần trong trong các năm. Năm 2011, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên toàn quốc khoảng 44.400 tấn/ngày. Đến năm 2019, con số này là 64.658 tấn/ngày (khu vực đô thị là 35.624 tấn/ngày và khu vực nông thôn là 28.394 tấn/ngày). Các địa phương có khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên 1.000 tấn/ngày chiếm 25% (trong đó có Hà Nội và TP HCM phát sinh trên 6.000 tấn/ngày).
Theo VnExpress