Apple đang nhận được rất nhiều chỉ trích từ người dùng vì cắt giảm phụ kiện với lý do bảo vệ môi trường nhưng lại khiến lượng rác thải tăng lên nhiều lần.
Tại sự kiện ra mắt phiên bản iPhone 13 ngày 14-9 vừa qua, Apple đã dành không ít thời gian nói về vấn đề “bảo vệ môi trường”. Đây cũng là từ khoá được hãng nhắc đến nhiều lần trong suốt hai năm qua. Từ việc loại bỏ phụ kiện, đóng hộp nhỏ hơn cho đến tỷ trọng tái chế nguyên liệu cao, Apple liên tục nhấn mạnh mục tiêu giảm rác thải điện tử. Với iPhone 13, hãng cam kết hầu hết phụ kiện được tái chế 100%. Khối lượng hộp giảm đi, lớp seal nhựa được thay bằng miếng giấy mỏng và hãng khẳng định điều này giúp giảm ít nhất 600 tấn nhựa.
Tuy nhiên, việc bỏ màng bọc nhựa trên hộp đựng iPhone 13 đang gây tranh cãi vì đi ngược mục tiêu hãng đề ra. Theo nhiều người sử dụng cho biết, nếu đến cửa hàng mua iPhone 13 chỉ có hộp giấy, chắc chắn phải xin thêm túi nilon hoặc túi giấy để gói lại, đảm bảo hộp iPhone vẫn còn nguyên vẹn khi về đến nhà. Như vậy, lượng rác từ túi nilon phát sinh lớn hơn nhiều chỉ vì Apple muốn bảo vệ môi trường.
Không những thế, với việc cắt giảm phụ kiện, những người mới chuyển sang sử dụng iPhone sẽ phải mua thêm củ sạc, tai nghe riêng. Lượng bao bì đóng gói phụ kiện này sẽ thải ra nhiều rác hơn so với việc Apple đóng gói chung với máy. Theo Sina, sử dụng nguyên liệu tái chế cũng làm cho độ bền của dây sạc iPhone giảm đi đáng kể, khiến người dùng thường xuyên phải thay mới. Nếu thật sự muốn bảo vệ môi trường, Apple có thể bọc dây sạc bằng vật liệu sinh học bền hơn thay vì dùng vật liệu tái chế.
Uỷ ban Kiểm toán Môi trường của Quốc hội Anh cho rằng những công ty công nghệ như Apple đang góp phần khiến tình trạng rác thải điện tử trở nên nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân là sản phẩm của Apple ngày càng khó sửa, chi phí đắt đỏ, buộc người dùng mua mới điện thoại thay vì sửa chữa để sử dụng tiếp. Giáo sư John Naughton của Đại học Mở Vương quốc Anh cho hay, việc mua iPhone 13 là sự lãng phí lớn, tác động xấu đến môi trường toàn cầu. Những nhà sản xuất như Apple đang cố biến các điện thoại cũ vẫn còn hoạt động tốt trở nên “lỗi thời theo kế hoạch”. Hàng năm, hãng cho ra đời thế hệ sản phẩm mới dù chỉ là những cải tiến nhỏ giọt.
Ngoài ra, một vấn đề nhức nhối khác khiến Apple bị bị chỉ trích là việc bảo trì. Nhóm nghiên cứu lợi ích công cộng của Mỹ (US PIRG) và quỹ Green Century Capital Funds đã yêu cầu Apple giải thích về “chính sách bảo trì chống cạnh tranh” của công ty. Lý do là hãng ngày càng siết chặt chính sách bảo hành, kéo dài thời gian sửa chữa, buộc người dùng phải lên đời thiết bị.
Theo các chuyên gia phân tích, Apple đang cố gắng rất nhiều để bảo vệ môi trường và đã đạt được một số kết quả thực tế. Tuy nhiên, hãng cũng đang lảng tránh vấn đề liên quan đến bảo hành, sửa chữa thiết bị cũ. Trong khi đó, đây mới là cách cốt lõi để giảm thiểu lượng rác thải toàn cầu, chứ không chỉ cố nhắm vào việc “cắt giảm” phụ kiện trên thiết bị mới. Với cách làm hiện tại của Apple, lượng rác thải ra môi trường vẫn không ngừng tăng lên và người dùng, nhà bán hàng lại chính là đối tượng gián tiếp trở thành bên phải chịu trách nhiệm.
Đây không phải lần đầu tiên Apple bị phản ứng về vấn đề bảo vệ môi trường. Từ năm 2020, báo cáo do Ủy ban Kiểm toán Môi trường Anh đã chỉ đích danh Apple, Amazon và eBay cần phải có trách nhiệm giúp thu gom, tái chế và sửa chữa các sản phẩm bán ra nhằm giảm 155.000 tấn rác thải điện tử bị vứt bỏ mỗi năm ở nước này. Bản báo cáo nhấn mạnh, rất nhiều trong số đó bị đưa đi chôn lấp, tiêu hủy hoặc mang ra nước ngoài. Theo luật hiện hành, các nhà sản xuất và bán lẻ đồ điện tử phải chịu trách nhiệm cho sự lãng phí này, nhưng rõ ràng họ đã không hoàn thành nhiệm vụ đó. Theo Ủy ban Kiểm toán Môi trường Anh, các công ty trên đã để lãng phí hàng triệu USD do không thể khai thác kim loại quý trên rác thải điện tử. Thống kê cho thấy, trên toàn cầu, những thiết bị như máy tính, smartphone, máy tính bảng… bị vứt bỏ đang chứa các kim loại quý như vàng, bạc, đồng, bạch kim hay các nguyên liệu thô quan trọng khác như vonfram và indium, với giá trị tiềm năng 62,5 tỷ USD.
Báo cáo của chính phủ Anh được đưa ra sau một thời gian điều tra. Đối với Apple, các nghị sĩ cho rằng hầu hết sản phẩm của công ty có cấu tạo khiến việc sửa chữa khó khăn hoặc không thể sửa chữa. “Người dùng không có quyền kiểm soát thiết bị của mình, trong khi linh kiện bên trong các sản phẩm Apple thường bị dán keo hoặc hàn cố định với nhau. Họ không thể mang máy ra ngoài để tự sửa chữa hoặc được hướng dẫn về cách tự khắc phục các vấn đề”, báo cáo có đoạn. Các nghị sĩ cũng nhấn mạnh việc Apple “ép” người dùng vào các trung tâm bảo hành của công ty này và thu phí quá cao. “Các khoản phí sửa chữa do Apple đề xuất có thể đắt đến mức khách hàng của họ sẽ tiết kiệm tiền hơn nếu mua thiết bị mới”.
Apple phủ nhận các vấn đề trong báo cáo, đồng thời nêu bật những nỗ lực của công ty trong việc bảo vệ môi trường những năm qua. “Chúng tôi rất ngạc nhiên và thất vọng với báo cáo của Ủy ban Kiểm toán Môi trường Anh. Báo cáo này không phản ánh bất kỳ nỗ lực nào của Apple trong việc bảo tồn tài nguyên và bảo vệ hành tinh mà chúng ta đang sống”, đại diện Apple cho biết. “Apple có nhiều lựa chọn cho khách hàng trong việc giao dịch, tái chế và sửa chữa an toàn đối với các sản phẩm như Apple Watch, iPad và iPhone. Chúng tôi cũng sử dụng các vật liệu tái chế cho các thành phần chính trên thiết bị”. Công ty sẽ tiếp tục làm việc với quốc hội và chính phủ Anh trong việc đảm bảo vấn đề bảo vệ môi trường thời gian tới.
Apple nhiều lần nhấn mạnh việc bảo vệ môi trường thông qua tăng cường sử dụng vật liệu tái chế, cũng như vận hành các nhà máy sản xuất bằng 100% năng lượng tái tạo. Mới đây, công ty đã loại bỏ củ sạc và tai nghe trên iPhone 12 cũng vì lý do này. Theo Apple, không đóng gói kèm củ sạc và tai nghe giúp hãng phải tiêu thụ ít nguyên liệu thô hơn cho mỗi mẫu iPhone bán ra. Nhà sản xuất ước tính sẽ giảm được hơn hai triệu tấn khí thải carbon, tương đương loại bỏ khoảng 450.000 xe hơi mỗi năm.
Một số người cho rằng việc bỏ củ sạc và tai nghe chỉ đơn giản là để hãng tăng thêm lợi nhuận trên mỗi iPhone bán ra. Thực tế, với những người mua iPhone mới trong năm nay mà không còn hai phụ kiện trên, họ sẽ phải mua củ sạc với đầu ra USB-C giá 19 USD, tai nghe có dây loại rẻ nhất kết nối qua cổng Lightning cũng có giá 19 USD.
Vậy Apple có đang thực sự nghiêm túc, nhất quán trong mục tiêu giảm chất thải điện tử, hay chỉ là một mũi tên trúng hai đích, vừa đẩy được trách nhiệm bảo vệ môi trường mà lẽ ra Apple phải chịu cho người tiêu dùng và nhà bán hàng, đồng thời tăng thêm lợi nhuận trên mỗi thiết bị bán ra?