Báo động rác công nghiệp thải ra môi trường

5/5 - (100 bình chọn)

Loại rác thải này thời gian qua vẫn bị vứt bỏ lén lút trên bờ kênh, khu đất trống hoặc trộn lẫn với rác thải sinh hoạt, gây ô nhiễm môi trường, tốn kém kinh phí của nhà nước để xử lý.

Theo quy định, chất thải công nghiệp phải được chủ nguồn thải phân loại, lưu giữ, ký hợp đồng và chuyển giao cho đơn vị chức năng xử lý. Thế nhưng, loại rác thải này thời gian qua vẫn bị vứt bỏ lén lút trên bờ kênh, khu đất trống hoặc trộn lẫn với rác thải sinh hoạt, gây ô nhiễm môi trường, tốn kém kinh phí để xử lý.

Vừa ô nhiễm vừa mất mỹ quan

Đường Tân Thới Nhất 1A dẫn vào khu tái định cư 38 ha, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP HCM nhiều năm nay trở thành điểm “lý tưởng” để nhiều người lén lút đổ chất thải công nghiệp, chất thải xây dựng. Do khu đất này đã được giải phóng mặt bằng thực hiện dự án “treo” nhiều năm nay, không có nhà dân nên dọc đường chính, đường nhánh xuất hiện nhiều “núi” rác.

Lãnh đạo phường Tân Thới Nhất cho biết nơi đây là khu quy hoạch treo, đang được UBND quận 12 thúc đẩy tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng. Một số vụ đổ rác, chất thải xây dựng và công nghiệp được UBND phường phát hiện xử lý kịp thời nhưng đa số vụ việc không phát hiện được bởi hành vi lén lút, xảy ra đêm khuya.

Bức xúc trước thực trạng này, người dân sống gần đó tự xử bằng cách đốt lượng rác thải trên; việc đốt rác này gây ô nhiễm môi trường.

rac thai cong nghiep
Rác thải công nghiệp là vải vụn, xà bần đổ đống trong khu đất trống thuộc khu tái định cư 38 ha, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP HCM

Dọc rạch Cầu Suối, đi qua 2 xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, cũng là nơi người ta thường xuyên lén lút mang chất thải công nghiệp đến đổ. Ngày 23-3, chúng tôi ghi nhận nhiều bao vải vụn, cao su nằm chất đống bên bờ kênh, đoạn đi qua xã Vĩnh Lộc B.

Ông Nguyễn Văn Sáu, người dân sống gần đoạn kênh này, bức xúc: “Việc xả lén chất thải chủ yếu diễn ra vào ban đêm nên người dân khó phát hiện. Đoạn kênh này nhiều lần được chính quyền dọn dẹp sạch sẽ nhưng được vài tháng lại có người lén mang rác ra vứt vào đó”.

Tương tự, một số đoạn bờ kênh An Hạ, thuộc xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, cũng bị người ta lén đổ rác thải công nghiệp như nhựa và mút xốp. Nhiều người dân buôn bán chậu gốm dọc bờ kênh cho biết đoạn kênh này rất sạch, dân quanh khu vực đều ra sức bảo vệ môi trường nhưng thỉnh thoảng lại thấy vài bao đựng vải vụn, nhựa vụn… vứt bỏ dọc bờ kênh. “Dù khó chịu nhưng sợ cháy những hàng cây trồng dọc kênh nên không ai dám đốt, chỉ nhắc nhở nhau cùng giám sát, phát giác hành vi xấu này” – một người dân nơi đây cho biết.

Ngoài việc đổ chất thải ra môi trường, nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, với số lượng rác thải công nghiệp không lớn, thường trộn lẫn rác công nghiệp vào rác sinh hoạt thông thường để dễ tẩu tán. Hành vi này diễn ra ở nhiều nơi tại các địa phương có nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ xen cài khu dân cư.

Việc trộn lẫn rác thải công nghiệp vào rác sinh hoạt gây tốn kém cho ngân sách nhà nước khi phải chi kinh phí xử lý; thay vì chủ nguồn thải phải có trách nhiệm xử lý chúng.

Cần siết chặt quản lý

Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM cho thấy tổng lượng chất thải công nghiệp phát sinh mỗi ngày trên địa bàn TP HCM khoảng 4.000 đến 4.500 tấn; ngoài ra còn khoảng 1.500 tấn chất thải rắn xây dựng phát sinh mỗi ngày. Con số này sẽ tăng trong những năm tới, khi số lượng doanh nghiệp hồi phục sản xuất sau đại dịch Covid-19.

Theo Sở TN-MT, quy định pháp luật về xử lý chất thải công nghiệp hiện nay đã đầy đủ; tuy nhiên khi thực hiện, nhiều chủ cơ sở sản xuất ngại tốn thêm chi phí xử lý, nên dù ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng xử lý nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ. Do đó, các địa phương cần giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp không ký hợp đồng với đơn vị xử lý hoặc có ký nhưng chỉ để đối phó, không thực hiện. Ngoài ra, lực lượng chức năng nên tăng cường kiểm tra bắt quả tang hành vi lén lút đổ bậy, xử phạt mạnh để răn đe.

rac thai cn
Rác thải công nghiệp là vải vụn, xà bần đổ đống trong khu đất trống thuộc khu tái định cư 38 ha, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP HCM

Cũng cần nói thêm, theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài nguyên nhân chủ nguồn thải ngại tốn kinh phí xử lý rác thải công nghiệp, các đơn vị xử lý chất thải công nghiệp hiện chưa đa dạng; hầu hết cơ sở tái chế, xử lý chất thải công nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, thường tập trung xử lý tái chế phế liệu.

Đại diện Thanh tra Sở TN-MT TP HCM cho biết Luật Bảo vệ môi trường năm 2015 quy định chủ nguồn thải phải có trách nhiệm phân loại, lưu giữ, ký hợp đồng và chuyển giao chất thải rắn (gồm chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp, nguy hại, xây dựng…) cho đơn vị có chức năng xử lý. Mức xử phạt vi phạm hành chính cũng đã được quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 55/2021/NĐ-CP) đối với hành vi không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao chất thải công nghiệp thông thường cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định; chôn, lấp, đổ, thải chất thải công nghiệp và công nghiệp đặc thù.

Mới đây, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, có hiệu lực từ ngày 1-1-2022, cũng quy định trách nhiệm chủ nguồn thải trong việc phân loại, quản lý, tái sử dụng, tái chế làm nguyên liệu sản xuất; ký hợp đồng chuyển giao chất thải cho đơn vị có chức năng thu gom xử lý.

Thử nghiệm mạng lưới thu gom, tái chế

Vừa qua, Sở TN-MT TP HCM đồng ý cho Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP HCM (Citenco) vận hành thử nghiệm “Mạng lưới thu gom và tái chế chất thải rắn công nghiệp thông thường” với công suất 50 tấn/ngày. Hệ thống vận hành thử nghiệm được 1 năm và mang lại nhiều hiệu quả.

Đại diện Citenco cho biết đơn vị này đang chờ UBND thành phố chấp thuận chủ trương để vận hành chính thức mạng lưới trên. Đây là giải pháp giúp nâng cao năng lực xử lý chất thải rắn công nghiệp, tiết giảm ngân sách xử lý, tiến tới xây dựng kinh tế tuần hoàn, biến rác thải thành nguyên liệu đầu vào thay vì phải đem thải bỏ như hiện nay.

Theo Báo Người Lao Động

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0969212818
Chat Zalo