Theo Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT, dịch Covid-19 đã gián tiếp gây tác động đến chất lượng không khí ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành. Trong những ngày giãn cách xã hội, chất lượng không khí được cải thiện hơn so với trước đó.
Thống kê về chất lượng môi trường những tháng đầu năm của Tổng cục Môi trường cho thấy, chất lượng không khí tại các đô thị ở miền Bắc có khá nhiều biến động, do chịu ảnh hưởng của yếu tố thời tiết.
Cùng với đó, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến rất nhiều các hoạt động kinh tế, xã hội phải tạm dừng hoặc giảm thiểu (các trường học nghỉ, giảm hoạt động sản xuất, xây dựng, giao thông…), điều đó có những tác động đáng kể đến diễn biến chất lượng không khí của nước ta.
Cụ thể, kết quả quan trắc không khí các tháng đầu năm nay tại các đô thị miền Bắc cho thấy, chất lượng không khí có khá nhiều biến động do chịu tác động mạnh bởi thời tiết. 3 tháng vừa qua, Hà Nội có 43 ngày (chiếm tỷ lệ 47,3%) có giá trị PM2.5 (bụi mịn) trung bình 24 giờ vượt giới hạn quy chuẩn cho phép; Việt Trì và Hạ Long có 6 ngày (chiếm tỷ lệ 6,6%).
Tại Hà Nội, có những ngày ô nhiễm ở mức khá cao (ngày 14.1; 2.2; 20.2; và 16.3), giá trị PM2.5 trung bình 24 giờ vượt từ 2 – 3,4 lần giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT.
Tại các đô thị ở khu vực miền Trung và miền Nam, chất lượng không khí duy trì khá ổn định ở mức tốt và trung bình.
Tổ chức đo chất lượng không khí thế giới (Air Visual) chiều 19.4 xếp hạng Hà Nội liên tục là thành phố ô nhiễm không khí thứ 2 thế giới
Tổng cục Môi trường theo dõi diễn biến chất lượng không khí trong khoảng thời gian từ 20.3 – 10.4, trong đó có thời gian bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội, cho thấy chất lượng không khí tại các khu vực đô thị tốt hơn so tháng 1 và tháng 2.
Điều này thể hiện khá rõ tại TP.HCM là nơi ít chịu ảnh hưởng bởi sự biến động của yếu tố thời tiết. Giá trị trung bình 24 giờ về thông số PM2.5 trong trong 2 tuần gần đây thấp hơn hẳn những ngày trước đó.
Tại Hà Nội, chất lượng không khí trong khoảng thời gian từ 20.3 – 10.4 cũng có xu hướng tốt hơn thời gian trước. Tuy nhiên, do chịu cả tác động bởi thời tiết nên trong một số ngày vẫn có sự biến động.
Đáng chú ý, trong 2 ngày 8 – 9.4, số lượng phương tiện giao thông đường bộ trong nội đô Hà Nội tăng hơn những ngày trước đó, kéo theo giá trị PM2.5 trong 2 ngày này cũng bắt đầu có xu hướng tăng lên.
Chất lượng không khí có xu hướng được cải thiện hơn cùng kỳ 2019
So sánh diễn biến chất lượng không khí từ 1.1 – 10.4 với cùng kỳ của những năm trước đó cho thấy, chất lượng không khí cũng có xu hướng được cải thiện hơn. Tuy nhiên, trong thời gian từ tháng 1 đến nửa đầu tháng 3, giá trị thông số PM2.5 có thấp hơn những năm trước đó, nhưng không rõ rệt.
Trong khi đó, từ thời gian nửa cuối tháng 3 cho đến 10.4, giá trị thông số PM2.5 thấp hơn hẳn thời gian cùng kỳ những năm trước đó.
Theo Tổng cục Môi trường, khi xem xét những thông số khác cũng cho thấy ảnh hưởng đến chất lượng không khí, trong đó, thông số CO – là thông số đặc trưng cho nguồn phát thải từ hoạt động giao thông tại các khu vực đô thị. Kết quả quan trắc cho thấy, giá trị CO trung bình 24 giờ trong khoảng thời gian nửa cuối tháng 3 và tuần đầu của tháng 4 thấp hơn hẳn khoảng thời gian từ tháng 1 đến nửa đầu tháng 3.
So sánh diễn biến cùng kỳ giữa các năm cũng cho thấy, giá trị CO trong nửa cuối tháng 3 và tuần đầu của tháng 4 thấp hơn khoảng giá trị cùng kỳ của những năm trước đó. Điều này cho thấy ảnh hưởng của các nguồn phát thải như giao thông và hoạt động sản xuất có tác động đáng kể đến chất lượng không khí đô thị.
Cũng theo Tổng cục Môi trường, diễn biến giá trị CO trong ngày cho kết quả, trong khoảng thời gian từ 1-10.4 (thời gian thực hiện lệnh cách ly xã hội), giá trị CO giảm đáng kể vào các khung giờ cao điểm giao thông so với các tháng trước đó. Điều đó cho thấy, hoạt động giao thông đường bộ giảm mạnh cũng đã làm giảm lượng phát thải CO vào môi trường không khí tại khu vực đô thị.