Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho rằng, đóng góp của doanh nghiệp (DN) FDI với cộng đồng DN Việt Nam là rất lớn. Đến nay, các DN FDI và DN trong nước đã đầu tư khoảng 9 tỷ USD vào tăng trưởng xanh (TTX) tại Việt Nam.
Theo ông Tuấn, riêng với TTX, đến nay khu vực DN bao gồm DN FDI và DN trong nước đã đầu tư khoảng 9 tỷ USD trong các lĩnh vực liên quan đến TTX, phát triển xanh như là năng lượng tái tạo, hay là đầu tư các trang thiết bị phục vụ cho kinh tế xanh. Con số này chiếm khoảng 2% GDP và bình quân tăng trưởng trong suốt 2 năm vừa qua, đạt mức độ tăng trưởng khá cao, tức là 10-13%.
“Đây là một trong những tín hiệu rất tốt. Cộng đồng DN, trong đó có DN FDI đã giúp tạo nên sự thay đổi hành vi trong việc sản xuất, tiêu dùng, kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu về TTX. Việt Nam đang được xem là hình mẫu thành công trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ thể chế và môi trường đầu tư ngày càng được hoàn thiện; nền tảng chính trị ổn định và tiềm năng tăng trưởng kinh tế khá cao. Tuy nhiên, mục tiêu TTX là mục tiêu khó. Trên thực tế, số lượng DN, tập đoàn lớn đầu tư vào nước ta chưa nhiều”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thì cần chú trọng vấn đề khoa học công nghệ. Theo thống kê của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, mỗi năm kinh tế tuần hoàn tạo ra khoảng 4-5 nghìn tỷ USD và tạo ra rất nhiều công ăn việc làm mới thông qua các mô hình kinh doanh mới. Vậy, làm thế nào để các DN Việt Nam và các DN FDI đang hoạt động ở Việt Nam chớp được cơ hội này, trong khi nhận thức của các DN (đặc biệt là của các DN vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ) về phát triển bền vững nói chung, về TTX và những vấn đề về kinh doanh có trách nhiệm… là rất thấp. Các DN FDI cũng không hẳn toàn bộ là các tập đoàn lớn, đôi khi là những DN quy mô vừa phải, nếu họ thấy chúng ta không cam kết về những tiêu chuẩn công nghệ, kỹ thuật thì họ sẽ mua công nghệ rẻ. Do vậy, cần “đòi hỏi” công nghệ cao nhất để khi DN FDI đầu tư vào Việt Nam, họ sẽ có cơ sở để họ đầu tư khoa học công nghệ tiên tiến nhất để giảm phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó, các DN cũng đang khó tiếp cận nguồn tài chính xanh.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, chúng ta còn khoảng cách rất xa giữa quyết tâm và thực hiện. Hiện nay, Nhà nước đã đặt ra quyết tâm về TTX nhưng các bước thực hiện chưa cụ thể để đạt được những mục tiêu ngắn hạn, chưa nói đến mục tiêu dài hạn. Do vậy, cần phải xây dựng lộ trình cụ thể thì mới có thể giải quyết được. Rất mừng trong thời gian vừa rồi, các nhà đầu tư nước ngoài đã đóng góp rất nhiều trong phát triển Việt Nam, trong đó có những hình mẫu phát triển xanh. Theo ông Toàn, nếu tổng kết trước năm 2021 (lũy kế) thì theo báo cáo về các DN đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, 5% là đầu tư vào công nghệ cao, 15% là công nghệ lạc hậu, 8% là công nghệ trung bình. Tuy nhiên, trong 3-4 năm gần đây, chỉ số đó thay đổi rất nhiều.
Ông Chris Hogg, Phó Chủ tịch, Giám đốc Bền vững và Truyền thông khu vực châu Á, châu Đại dương và châu Phi, Tập đoàn Nestlé cho hay, DN này cũng muốn trở thành một DN đạt phát thải bằng 0, nhưng cần có lộ trình thực hiện cụ thể. Năm 2050 có thể là một khoảng thời gian xa nhưng trong thời gian từ nay đến đó, chúng ta cũng cần những lộ trình, cột mốc. Chẳng hạn năm 2025 thì sẽ có phát thải ròng giảm 20%, đến 2030 giảm 50% và bằng 0 vào năm 2050. Theo ông Nguyễn Văn Toàn, muốn TTX thì phải giải quyết TTX từ khâu sản xuất, lưu thông và tiêu dùng và cuối cùng là hậu tiêu dùng. Theo đó, phải làm đồng bộ tất cả thì xã hội mới TTX được, nếu chúng ta chỉ làm một khâu thì sẽ đứt gãy chuỗi. Ví dụ Nestlé đặt mục tiêu 2025 phát thải bằng 0, thì tất cả DN cũng phải có mục tiêu như vậy. Tất cả huyện, xã cũng phải có mục tiêu như vậy, như xử lý rác thải thế nào, tuần hoàn như thế nào…
Ông Nguyễn Quang Vinh cũng cho rằng, đã đến lúc các DN phải chuyển đổi tư duy, trong đó, chuyển đổi tư duy xanh là cực kỳ quan trọng. Kinh doanh tạo ra những giá trị mới không chỉ về kinh tế, mà kinh doanh còn tạo ra những giá trị nhân bản về mặt xã hội và kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường. Đó chính là những giá trị mới trong trong thế kỷ XXI này. Các DN vừa và nhỏ, kể cả các DN lớn của Việt Nam, cần theo đuổi.
Theo Báo Công An Nhân Dân