Ô nhiễm ánh sáng nguy hiểm ra sao tới môi trường và các sinh vật trên Trái đất

5/5 - (100 bình chọn)

Có thể bạn đã biết tới các loại ô nhiễm nước, không khí, tiếng ồn,… nhưng còn ô nhiễm ánh sáng thì sao?

Ô nhiễm ánh sáng là một dạng ô nhiễm môi trường, xảy ra khi ánh sáng nhân tạo lấn át ánh sáng tự nhiên vào ban đêm, ảnh hưởng rất lớn tới môi trường, đặc biệt là đối với các loài động vật trên Trái Đất của chúng ta.

Vì sao xảy ra hiện tượng ô nhiễm ánh sáng?

Ô nhiễm ánh sáng bắt nguồn từ các hoạt động kinh tế, xã hội, sinh hoạt,… trong đời sống của con người: các tòa nhà với các đèn điện bật mở liên tục từ sáng đến tận đêm khuya, hoạt động của các trường học, khu phố, đường xá tràn đầy những ánh đèn điện,…

Cuộc sống càng hiện đại, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện tăng thì ô nhiễm ánh sáng càng trở nên trầm trọng. Nếu như cách đây 100 năm, ông bà chúng ta khi đi dạo ngoài đường có thể dễ dàng nhìn thấy dải ngân hà trên bầu trời đêm, thì ngày nay, ngay cả trong những ngày rằm cũng khó có thể nhìn thấy trăng và các vì sao vì sự lấn át của nguồn ánh sáng nhân tạo.

Ô nhiễm ánh sáng nguy hiểm ra sao?

Hiện nay, đặc điểm sinh sống của phần lớn các loài sinh vật trên Trái Đất có liên quan mật thiết đến ánh sáng: các loài chim di cư dựa vào ánh sáng tự nhiên để tìm đường, một số loài chỉ hoạt động vào buổi tối khi không có ánh sáng, cây quang hợp dựa vào yếu tố ánh sáng… Chính vì vậy, sự xuất hiện của các nguồn ánh sáng nhân tạo khác nhau gây nên sự nhiễu loạn nhịp điệu sinh học của chúng cũng như gây mất cân bằng hệ sinh thái nói chung.

Ô nhiễm ánh sáng gây xáo trộn mối quan hệ giữa động vật ăn thịt – con mồi, cũng như chu kỳ sinh sản của động vật. Chẳng hạn như loài ếch và kỳ nhông, thông thường khi không có ánh sáng, chúng thức giấc, đi tìm bạn và sinh đẻ. Nhưng ánh sáng thường xuyên do ô nhiễm ánh sáng làm cho hoạt động của chúng suy giảm…

Ngoài ra, ánh sáng nhân tạo phát ra từ các đô thị thu hút hàng triệu côn trùng, làm mất nguồn thức ăn của các loài chim và phá vỡ chuỗi thức ăn tự nhiên.

Trong nội đô, ánh sáng làm cho cây xanh bị rối loạn cơ chế quang hợp, có xu hướng rụng lá, tăng lượng khí CO2. Năng lượng phát sinh từ việc chiếu sáng ban đêm làm tăng một lượng lớn các loại khí nhà kính khác, đẩy nhanh hiệu ứng ấm lên của Trái đất. Nếu tiếp tục kéo dài tình trạng này, có thể tính đa dạng của thế giới tự nhiên sẽ bị nguy hại nghiêm trọng.

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Reports, các nhà khoa học tại Đại học Plymouth (Anh) nhận định, 3/4 diện tích đáy biển gần các thành phố lớn đang phải gánh chịu ô nhiễm ánh sáng gây hại. Trong đó, nghiêm trọng nhất là ánh sáng có bước sóng màu xanh lá cây và xanh lam. Đây là điều đáng lo ngại đối với sinh vật ven biển bởi vì nhiều loài dựa vào các tín hiệu tự nhiên như ánh sáng mặt trăng để định hướng vào ban đêm và tiến hành quá trình trao đổi chất.

Bạn có thể làm gì để giảm tình trạng ô nhiễm ánh sáng?

Chỉ từ những hành động nhỏ thường ngày, bạn cũng góp phần để giảm bớt ô nhiễm ánh sáng cũng như các ảnh hưởng tiêu cực của ánh sáng với các loài sinh vật đấy. Đó là giảm cường độ ánh sáng, tắt bớt các thiết bị đèn điện khi không sử dụng, vừa để giảm bớt ô nhiễm ánh sáng, vừa nhằm hạn chế tiêu thụ năng lượng giúp bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cũng nên hạn chế tối thiểu các công cụ chiếu sáng ngoài trời.

Theo Báo Thiếu Niên Tiền Phong và Nhi Đồng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0969212818
Chat Zalo