Kiểm soát thu gom, xử lý chất thải: Làm cho thế giới sạch hơn

5/5 - (100 bình chọn)

Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn được Chương trình môi trường Liên hợp quốc phát động trên phạm vi toàn cầu vào tuần thứ 3 của tháng 9 hàng năm, nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng tham gia hoạt động cải thiện và bảo vệ môi trường.

Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cả nước tập trung tối đa nguồn lực vào công tác phòng, chống để đẩy lùi dịch bệnh. Vì vậy, việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng chiến dịch năm nay được Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu đảm bảo phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế, tập trung truyền thông trực tuyến trên phương tiện thông tin đại chúng.

Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền về kiểm soát chặt chẽ việc thu gom, vận chuyển, xử lý các loại chất thải phát sinh trên địa bàn theo đúng quy định; tập trung giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế người dân. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử phạt nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý chất thải và bảo vệ môi trường, đặc biệt chú trọng công tác vệ sinh, cải thiện chất lượng môi trường khu vực đô thị và nông thôn, nhằm hỗ trợ một cách tích cực và hiệu quả cho hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

Tập trung tuyên truyền các hoạt động phân loại chất thải tại nguồn, giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải; từ chối sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích phát triển, sử dụng sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường…

Theo các chuyên gia, việc tăng cường tuyên truyền về kiểm soát chặt chẽ việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải trong chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm nay có ý nghĩa thiết thực. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, lượng rác thải phát sinh gia tăng đáng kể, rác y tế từ các bệnh viện, khu cách ly… tăng nhanh, không chỉ gây áp lực lên hệ thống xử lý rác thải của các địa phương mà còn tiềm ẩn dịch bệnh.

Mặc dù chưa có số liệu thống kê cụ thể, song phải khẳng định, rác thải phát sinh do dịch Covid-19 trên cả nước tăng mạnh, tỷ lệ thuận với số lượng bệnh nhân. Là địa phương có số ca nhiễm nhiều nhất trong đợt dịch lần thứ 4 này, Sở Tài nguyên và môi trường TP. Hồ Chí Minh ước tính, chỉ riêng lượng rác thải liên quan đến Covid-19 trung bình là 78 tấn/ngày, thu gom từ 280 khu cách ly tập trung và bệnh viện dã chiến.

Tại tỉnh Bình Dương, tổng khối lượng chất thải phát sinh trong hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn trung bình khoảng 40-70 tấn/ngày. Trong đó, chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 phát sinh từ các cơ sở điều trị, khu cách ly y tế tập trung là 18-20 tấn/ngày.

Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thông tin, ngay khi dịch Covid-19 xảy ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Bộ Y tế ban hành các hướng dẫn kỹ thuật liên quan đến phòng, chống dịch bệnh và quản lý rác thải y tế lây nhiễm tại các cơ sở y tế. Bộ cũng ban hành các văn bản chỉ đạo, đề nghị, đôn đốc các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý rác thải rắn sinh hoạt, đặc biệt là rác thải y tế lây nhiễm từ các cơ sở y tế, cơ sở cách ly tập trung.

Nhằm quản lý chất thải rắn chặt chẽ hơn, dự kiến vào tháng 10/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và Thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, trong đó bao gồm các nội dung liên quan đến quản lý chất thải rắn; quy định về phương pháp định giá dịch vụ xử lý rác thải; tiêu chí lựa chọn công nghệ xử lý rác thải…

Theo Báo Công Thương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0969212818
Chat Zalo